Đã có hàng loạt những công bố từ những công ty logistics hàng đầu thế giới rằng công ty của họ là những doanh nghiệp Logistics xanh. Tại sao lại thế?
Vì sao gọi là logistics xanh?
Metrobus, một hệ thống xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit – BRT) hoạt động ở trung tâm thủ đô Mexico City, Mexico, mỗi ngày chuyên chở khoảng 450.000 hành khách. Năm 2010, EMBARQ, một tổ chức phi chính phủ chuyên giải quyết các vấn đề của đô thị, đã hướng dẫn cho Metrobus bằng cách nào để thanh toán 114.000 tấn khí CO gây ô nhiễm không khí.
Với một tài trợ 500.000 USD và được công ty logistics khổng lồ FedEx tư vấn, EMBARQ đã giúp hệ thống Metrobus mở rộng, thậm chí phát triển một cách hiệu quả. FedEx đã sử dụng kinh nghiệm quản lý chu kỳ hoạt động của các phương tiện vận tải để giúp các quan chức ngành giao thông vận tải ở Mexico City quản lý tốt hơn đội ngũ xe buýt của họ.
Đó chỉ là một trong những cách mà FedEx đang làm để giải quyết các vấn đề về môi trường xảy ra ở những nước mà họ đang hoạt động. Những nỗ lực lâu dài khác nhằm vào chính các hoạt động của FedEx.
FedEx gần đây vừa mới xuất bản báo cáo Cập nhật Công dân Toàn cầu 2010 (2010 Global Citizenship Update) cho thấy những nỗ lực đầu tư liên tục và những thông lệ kinh doanh hiệu quả của họ trong việc sử dụng đội bay Boeing 777F vốn tiết kiệm nhiên liệu hơn hay các xe hoạt động bằng điện nhằm giảm thiểu việc thải khí CO.
Báo cáo của FedEx cũng cho thấy những thành quả khác của họ, gồm cả việc tăng nhận thức về môi trường bằng các tái chế và khuyến khích thói quen sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu. Một trong những chương trình đó là Eco-Driving, thiết kế để giảm thiểu tác động của xe cộ đối với môi trường. Các tài xế của FedEx được hướng dẫn những cách thức để làm giảm thiểu việc thải khí CO vào môi trường bằng các cách như lên ga nhẹ nhàng, lái với tốc độ ổn định và giảm thời gian chạy không tải.
Jeremy Goldstritch, Giám đốc Điều hành của các hoạt động đường bộ của FedEx ở Nhật, nơi chương trình Eco-Driving thực hiện đầu tiên, đã ghi nhận trong báo cáo này: “Sử dụng nhiên liệu là bản chất của DN . Nếu bạn nhận thức được phải làm gì đó với môi trường và rồi hành động từ cấp độ đầu tiên đến cấp độ quản lý, bạn sẽ làm được một sự thay đổi cực lớn”.
Công ty UPS
Tương tự, công ty UPS, một công ty logistics của Mỹ cũng có những quan tâm đến môi trường nhưng theo một cách khác.
Các công ty cần hoặc muốn giảm tổng lượng khí thải carbon có thể đầu tư vào một dự án tên tuổi “đền bù” (carbon offset)(**) đâu đó. Tương tự, UPS mua một chương trình như vậy từ công ty Carbon Neutral.
Để trở thành một ví dụ điển hình cho việc giảm khí thải carbon, UPS cũng vừa công bố kế hoạch của họ trong việc giúp cho ban nhạc rock The Dave Mathews một chuyến lưu diễn thân thiện với môi trường trong mùa hè năm 2010.
UPS đã tiến hành một tiến trình gồm 3 bước đầy tính “logistics”. Họ đã tính toán giải pháp chuyên chở một sân khấu khổng lồ, toàn bộ thiết bị ánh sáng và các trang thiết bị khác; đo lường lượng toàn bộ lượng khí thải carbon trong từng giai đoạn; và sau đó mua chương trình “đền bù” cho lượng khí thải carbon trong quá trình chuyên chở.
UPS cũng luôn quan tâm đến những gói chương trình phát triển bền vững(***) như là chiến lược của họ. Để giúp nâng cao nhận thức về nhu cầu này, UPS đưa ra chương trình Eco Responsible Packaging, chương trình nhìn nhận các nỗ lực phát triển bền vững từ các khách hàng bằng cách gắn logo của chương trình này cho những lô hàng đạt chuẩn.
Công ty DHL
Công ty DHL với trụ sở chính ở Đức, một trong những DN hàng đầu của ngành logistics, cũng tham gia vào phong trào logistics xanh này. Với dịch vụ Go Green, công ty cung cấp một tùy chọn cho việc vận tải. Lượng khí CO thải ra từ quá trình vận chuyển sẽ được đền bù bằng các dự án bảo vệ khí hậu như dự án xây dựng một nhà máy phong điện ở Phật Sơn, Trung Quốc. Những đối tác lựa chọn dịch vụ này sẽ có giấy chứng nhận Go Green được gắn trên các lô hàng của họ.
Mới đây DHL đã giới thiệu một dịch vụ mới gọi là Go Green Carbon Dashboard, cho phép khách hàng từ máy tính của họ theo dõi lượng khí carbon thải ra với từng loại hình chuyên chở khác nhau. Dịch vụ này sử dụng một phần mềm do DHL cung cấp tính toán lượng khí thải carbon cho từng lô hàng của họ – những thông tin họ có thể sử dụng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ cũng như đạt được mục tiêu là giảm lượng khí thải carbon.
Một cải tiến cũng được DHL áp dụng là chương trình Smart Trucks, lựa chọn đường đi ngắn nhất và nhanh nhất cho các tài xế dự trên các kỹ thuật nhận hàng và giao hàng thông minh. Có thể giảm đến 15% tổng khí thải bằng cách giảm quãng đường di chuyển. Chương trình này đang được áp dụng ở những thị trường mới như Ấn Độ, một thị trường rất đông dân cư và cũng gây “nhức đầu” với những vụ kẹt xe ngày càng tăng.
Những động thái ban đầu của các DN cho một ngành logistics xanh cũng đồng hành với nhận thức ngày càng tăng về những gì có thể tác động lên môi trường khi vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.
Trong một cuộc phỏng vấn bằng email với tạp chí mạng Eco-Business, ông Paul Graham, CEO của chuỗi cung ứng DHL ở châu – Á Thái Bình Dương cho biết khách hàng khắp nơi trên thế giới bắt đầu nhận ra sự quan trọng của một ngành logistics xanh và việc có lợi về chi phí về lâu dài. Trong một nền kinh tế, ngành logistics sẽ là đầu tàu trong việc giảm thiểu khí carbon.
Theo một bảng thăm dò ý kiến từ DHL, có khoảng 63% các DN khách hàng xem lĩnh vực vận tải là nơi chính để giảm thiểu lượng khí thải carbon. Hơn 2/3 trong số hoặc hoặc đang theo đuổi những chương trình giảm thiểu khí thải hoặc đang có dự định làm chuyện đó.
Ô. Graham cũng đề cập đến Trung tâm chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable Supply Chain Centre) vùng châu Á – Thái Bình Dương được thành lập năm vừa rồi do DHL và Viện Logistics châu Á – Thái Bình Dương ở Singapore như là một ví dụ cho sự quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành logistics trong vùng châu Á.
Nhưng, ông nói, những bước khởi đầu trong việc phát triển bền vững của ngành logistics đã mất đi phần nào động lực do hậu quả của suy thoái kinh tế và sự bất ổn định của nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thay thế.
Giám đốc Điều hành của Viện Logistics và Chuỗi cung ứng (Supply Chain& Logistics Institute) ở Georgia, Mỹ – Giáo sư Donald Ratliff – cũng đồng ý sự phát triển bền vững của ngành logistics cũng phụ thuộc nhiều giá cả. Ông nói việc sử dụng ít xăng dầu dẫn đến giảm chi phí và giảm việc thải khí carbon vào môi trường là thắng lợi của chính công ty đó và thắng lợi về phía môi trường. Việc phát triển bền vững dưới áp lực của chi phí sẽ là một thách thức.
(**) Khái niệm cơ bản của carbon offset là ước tính lượng khí thải carbon từ các hoạt động của DN như vận tải, gọi là tổng lượng khí thải (carbon footprint), và sau đó có thể cân bằng bằng cách tham gia vào các quỹ đầu tư tạo ra nguyên liệu “sạch” – ví dụ như phong điện – như một hoạt động để ‘đền bù’ cho lượng khí thải carbon vào môi trường.
(***) Khái niệm phát triển bền vững (sustainable development) được xem là một khuynh hướng của thế kỷ 21. Các chuỗi cung ứng cũng theo khuynh hướng đó với các mục tiêu thân thiện với môi trường như giảm lượng khí thải, tiết kiệm năng lượng.