Dãy Trường Sơn là dãy núi dài nhất của Việt Nam và Lào với chiều dài khoảng 1.100km, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả (Lào) giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nơi đây có con đường Trường Sơn huyền thoại đã chứng kiến biết bao nhiêu trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong suốt 16 năm kháng chiến chống chính quyền Ngô Đình Diệm và chống Mỹ (1959 – 1975). Dãy núi Trường Sơn hùng vĩ đã đi vào thi ca như một niềm tự hào dân tộc.
-
Giới thiệu về dãy Trường Sơn
Dãy Trường Sơn là dãy núi nằm ở phía Tây lãnh thổ Việt Nam, có vị trí nằm giữa 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng nó vẫn được nhắc đến chủ yếu là giữa ranh giới Việt – Lào. Trường Sơn chính là quần thể các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn hướng ra Biển Đông. Hiện nay, dãy trường Sơn có trong địa đồ của 21 tỉnh thành của nước ta.
Một phần cảnh quan của dãy Trường Sơn
Trường Sơn bao gồm 2 dãy chính là Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, được ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã.
Dãy Trường Sơn Bắc
Trường Sơn Bắc có ranh giới chạy từ thượng nguồn sông Cả vào đến Quảng Nam, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Nơi đây tập trung những khối núi lớn thuộc hàng bậc nhất Đông Dương như: Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), Bạch Mã (giữa Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam), Kẻ Bàng (Quảng Bình) và các dãy núi có độ cao trung bình khác Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An) 2711 m, Phu/Pu Ma (Nghệ An) 2194 m, Phu/Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 m, Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh) 2235 m, Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1774 m…Trong đó nổi tiếng nhất là dãy Bạch Mã và Kẻ Bàng.
Bạch Mã – nơi có con đèo Hải Vân nổi tiếng và có thảm thực vật phong phú, bao gồm nhiều loài động thực vật quý hiếm của rừng nhiệt đới.
Khối núi Kẻ Bàng có động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng là một địa điểm du lịch đẹp nổi tiếng của Việt Nam.
Dãy Trường Sơn Nam
Trường Sơn Nam là hệ thống các dãy núi và khối núi, gờ núi cao bao bọc phía Đông của Tây Nguyên, chạy dài từ khối núi Ngọc Linh đến mũi Dinh. Các dãy núi và khối núi chính là khối núi Ngọc Linh, dãy núi An Khê, Chư Đju, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng duyên hải từ Quảng Nam đến Nha Trang.
Khối núi Ngọc Linh được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn với đỉnh cao nhất đạt 2.598m, ngọn núi cao thứ 2 Việt Nam sau đỉnh Fansipan của dãy Hoàng Liên Sơn.
-
Dãy Trường Sơn viết lên giai thoại hào hùng của dân tộc Việt Nam
Dãy Trường Sơn chứng kiến biết bao sự hy sinh xương máu anh dũng của dân tộc Việt Nam trong suốt thời kỳ 16 năm kháng chiến chống Mỹ (1959 – 1975) và dành thắng lợi vẻ vang.
Đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn) được biết đến là con đường kháng chiến huyết mạch bắt nguồn từ phía Bắc tiến về phương Nam xuyên qua dãy Trường Sơn, qua biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, vào tận Đông Nam Bộ. Nhà thơ Tố Hữu có 2 câu thơ nổi tiếng: “…Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dạy tương lai!…” – trích bài Theo chân Bác.
Tuyến đường này mở ra nhằm cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) Quân đội Nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống giao thông quan trọng này. Dựa vào yếu tố địa hình đồi núi hiểm trở, rừng trường sơn rậm rạp mà kháng chiến, chúng ta đã hoàn toàn khiến kẻ địch phải chịu thua một cách khâm phục, khẩu phục.
Một số dấu mốc quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh trong lịch sử kháng chiến:
- Năm 1959: Đoàn 559 thành lập dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, đánh dấu sự khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn. Lúc này quân lực lượng của chúng ta vẫn còn mỏng, chỉ vẻn vẹn có 01 tiểu đoàn giao liên (D301) với 440 người. Đoàn có nhiệm vụ vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối tất cả đều phải hoạt động với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Chỉ sau 1 năm, Đoàn 559 đã bắt đầu tăng quân số gồm 02 trung đoàn 70, 71 với 6.000 người.
- Năm 1965 – 1968: Đây là giai đoạn phá hoại kinh hoàng của quân đội Mỹ vào dãy Trường Sơn và là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 4/1965 quân số của Đoàn 559 tăng lên tới con số 24.000 người làm nhiệm vụ vừa chiến đấu ngăn chặn sự phá hoại của địch, vừa mở rộng hệ thống giao thông để phục vụ cho chiến trường miền Nam.
- Năm 1968 – 1972: Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu chạy ở phía Tây Nam từ Vinh vào Nam. Năm 1969 hệ thống này đã vượt qua biên giới với Lào và sau đó 1 năm đã vươn tới gần thung lũng A Sầu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1969 – 1970 mức di chuyển quân của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đường Trường Sơn vào miền Nam lên tới 348 đoàn quân, trong đó có 46 tiểu đoàn trang bị mạnh, 24.530 tấn vũ khí…Năm 1970, hàng rào McNamra nhằm chia cắt hệ thống giao thông huyết mạch của quân đội ta bị chọc thủng, quân sự Mỹ đã rơi vào bế tắc.
- Năm 1973 – 1975: Ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết và thực thi, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Lúc này tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt.
Quá trình vận chuyển hàng chi viện ở thời kỳ đầu
Vận tải chi viện bằng xe cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn
Ngày nay khi bước chân trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, bất kỳ ai là con dân Việt Nam cũng sẽ có những cảm nhận và sự những hồi tưởng về một thời kỳ kháng chiến oai hùng. Và những gì dân tộc Việt Nam làm được rất đáng tự hào!