Hướng dẫn bạn làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Cập nhật: 04/06/2020
You are here:
Thời gian đọc: 7 phút

Pháp lý là vấn đề quan trọng mà bất cứ ngành nghề nào cũng phải đáp ứng trước khi thực hiện. Nhất là trong kinh doanh. Pháp lý đóng vai trò là kim chỉ nam giúp quá trình hoạt động thuận lợi hơn. Vì vậy, nếu bạn có dự định thành lập doanh nghiệp hãy trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cần thiết. Trong đó, bạn phải đặc biệt quan tâm đến Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về loại giấy này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 đã quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, bạn có quyền thành lập và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Vậy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì? Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như thế nào? Trình tự thủ tục ra sao? Dưới đây, chúng tôi sẽ trả lời giúp các bạn.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì?

Cùng với Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là một trong những văn bản pháp quy quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng. Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài, điều kiện bắt buộc là phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu không có loại giấy này, doanh nghiệp của bạn được coi là không tồn tại và hoạt động bất hợp pháp.

Có thể nói, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là xác định ngày đăng ký kinh doanh lần đầu. Đồng thời là căn cứ xác thực năng lực pháp lý cho một doanh nghiệp.

Hiện nay, rất nhiều người băn khoăn không biết Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giống hay khác nhau. Câu trả lời rất đơn giản, chúng là một.

Chúng ta có thể hiểu, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là văn bản cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp, trong đó nó ghi lại những thông tin đăng ký kinh doanh. Nội dung của Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể như sau:

Một là tên và mã số doanh nghiệp.

Hai là địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

Ba là:

– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần: Họ và tên; quốc tịch; địa chỉ thường trú; số Thẻ căn cước công dân; Hộ chiếu; Giấy chứng minh nhân dân; hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Đối với doanh nghiệp tư nhân: Họ và tên; Giấy chứng minh nhân dân; số Thẻ căn cước công dân; địa chỉ thường trú; quốc tịch; Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; hoặc của chủ doanh nghiệp.

– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: Họ và tên, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, địa chỉ thường trú, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân. Ngoài ra, Giấy chứng nhận còn có tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính.

Bốn là nguồn vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Đồng thời, trong Giấy chứng nhận còn phải có ngành, nghề kinh doanh.

Như vậy, thông qua Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chúng ta có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết về doanh nghiệp. Đồng thời nắm được số vốn, tên của các đơn vị cổ phần… Những thông tin này giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải tuân theo các quy định của pháp luật. Căn cứ điều 28, Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp cần thỏa mãn đầy đủ các điều kiện cụ thể dưới đây:

Thứ nhất, ngành, nghề đăng ký không bị cấm đầu tư kinh doanh.

– Thứ hai, doanh nghiệp phải căn cứ theo Luật doanh nghiệp để đặt tên theo đúng quy định.

– Thứ ba, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải hợp lệ.

– Thứ tư, nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị hư hỏng, bị mất hoặc bị tiêu hủy, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận và phải trả lệ phí theo quy định pháp luật.

Nếu các bạn dự định xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hãy suy xét xem mình đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên chưa? Để tránh tình trạng thiếu sót, bạn có thể đến các cơ quan có thẩm quyền để được tư vấn rõ hơn.

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Sau khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, bạn hãy chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đồng thời thực hiện các trình tự thủ tục theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ

Trước khi chuẩn bị hồ sơ, bạn hãy xác định loại hình kinh doanh của mình là gì? Bởi mỗi loại hình khác nhau sẽ có những thủ tục khác nhau.

– Công ty tư nhân

+ Hồ sơ phải có giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo đúng mẫu quy định.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân phải có bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp.

+ Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định thì phải kèm theo văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền.

+ Đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và cá nhân khác.

– Nếu bạn đăng ký với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh:

+ Hồ sơ phải có Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh lập theo mẫu.

+ Văn bản dự thảo điều lệ công ty.

+ Đối với thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân, hồ sơ phải kèm theo danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên và công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần kèm theo các bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân; bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác.

+ Đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định, hồ sơ phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền.

+ Các thành viên hợp danh, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của.

– Còn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bạn hãy chuẩn bị các giấy tờ sau:

+ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu quy định.

+ Văn bản dự thảo điều lệ công ty có đầy đủ chữ ký của chủ sở hữu công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty.

+ Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương khác.

+ Danh sách người đại diện được uỷ quyền. Đồng thời kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân.

+ Đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức thì bắt buộc phải có văn bản uỷ quyền của chủ sở hữu.

+ Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc hoặc cá nhân khác đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề và vốn pháp định.

– Hoặc nếu bạn đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ phải đầy đủ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và bản sao Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện hộ gia đình.

Chuẩn bị hồ sơ là khâu rất quan trọng, quyết định hồ sơ của bạn có hợp lệ hay không. Do đó, bạn phải cẩn thận làm từng loại giấy tờ theo đúng mẫu quy định. Nếu có thể, bạn nên đến cơ quan có thẩm quyền để họ tư vấn trước khi mang hồ sơ đi nộp.

Trình tự thủ tục

Khâu tiếp theo mà bạn phải làm đó là đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi bạn giấy biên nhận hay còn gọi là giấy hẹn. Bạn phải giữ kỹ giấy này và mang theo khi đi nhận kết quả.

Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo với bạn nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trong thời gian chờ đợi Giấy chứng nhận, bạn có thể vào trang website của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để tra cứu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của mình đã giải quyết xong chưa.

10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho bạn.

Các bạn lưu ý: Phải xác định thật chính xác loại hình kinh doanh để bảo đảm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tránh tình trạng sai sót gây mất thời gian.

Trên đây là những thông tin chi tiết về điều kiện, hồ sơ cũng như trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các bạn muốn nắm rõ thêm các vấn đề xoay quanh loại giấy này, có thể tham khảo Luật Doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13. Chúc các bạn thành công!

 

Was this article helpful?
Dislike 0
Lượt xem: 424
Hướng dẫn cách đăng ký mã số thuế cá nhân nhanh và hiệu quả nhất
HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ NỘP THUẾ ĐIỆN TỬ NHANH NHẤT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top